Sàn giao dịch mua bán trực tuyến MB24

MUA BÁN TRỰC TUYẾN HAY THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ HIỆN ĐANG LÀ XU THẾ PHÁT TRIỂN CHUNG CỦA CẢ THẾ GIỚI.TUY NHIÊN Ở VIỆT NAM HÌNH THỨC TRÊN CÒN KHÁ MỚI MẺ. Xin trân trọng giới thiệu tới Quý Bạn Sàn giao dịch thương mại điện tử mua bán trực tuyến MB24 . Hiện tại Tôi đang có 3 gian hàng mua bán trên sàn giao dịch này . Bạn có thể trực tiếp kinh doanh trên gian hàng của mình , hoặc bạn sẽ được mua hàng chất lượng tốt với giá rẻ của nhà sản xuất mà không phải trả chi phí cho bất cứ một khâu trung gian nào. TIẾT KIỆM CHI PHÍ CHO GIA ĐÌNH BẠN NHIỀU TRIỆU ĐỒNG.Bạn có thể liên hệ với Tôi để tham gia mua bán trực tuyến và tham gia Thương mại điện tử ngay nha : 0919.781.981

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Thư của đứa con người nông dân 1


Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều sinh ra và lớn lên ở một làng quê Bắc Bộ. Dù ông làm việc ở thành phố, nhưng 50 năm nay, ông luôn gắn bó với làng ông và những người nông dân ở đó. Ông mang trong mình một phần những nỗi phiền muộn, cực nhọc và giấc mơ của những người nông dân. Và những người nông dân ở đó đã chấp nhận ông là một đứa con của họ.
Hiện thực cần báo động trong đời sống của những người nông dân được ông phác thảo trong hình thức những bức thư gửi đến chúng ta. Bây giờ, làng Chùa của ông và những làng khác ở tỉnh Hà Tây cũ đã trở thành một làng chính thức của Hà Nội mở rộng. Xin trân trọng giới thiệu 7 bức thư của ông như một trong nhiều góc nhìn về nông thôn hiện nay để bạn đọc cùng tham khảo và chia sẻ.
BỨC THƯ THỨ NHẤT : Họ đang đi theo một… vòng tròn 
NGUYỄN QUANG THIỀU

Tôi chọn năm 1954 là điểm xuất phát đường đi của những người nông dân. Bởi đó là lúc Miền Bắc được giải phóng hoàn toàn khỏi ách cai trị của người Pháp. Người ta thường lấy mốc năm 1954 là thời gian hòa bình được lập lại. Nhưng thực tế chiến tranh vẫn tiếp tục. Máu vẫn đổ. Chỉ sau năm 1975, chiến tranh mới chấm dứt.
Từ năm 1954 đến nay, những người nông dân đã đi một chặng đường dài hơn nửa thế kỷ trên cánh đồng của họ. Và họ đã đi được đến đâu? Họ có biến được giấc mơ về sự giàu có và văn mình của mình thành hiện thực không?
54 năm qua, những người nông dân không một ngày ngừng cày cuốc, gieo trồng với tất cả những đức tính cần cù trên cánh đồng của họ. Họ đã lao động không hề than thở, họ đã hy sinh không hề than thở. Nhưng sau 54 năm, họ ngẩng đầu lên nhìn lại con đường của họ đã đi. Và họ kinh hãi nhận ra: họ đã đang đi theo một vòng tròn. Họ đang có nguy cơ trở lại điểm xuất phát.
Nếu ai đó phản biện điều tôi vừa nói trên thì xin đừng dùng những hình thức bên ngoài trong đời sống của họ để làm bằng chứng cho những phản biện của mình. Đời sống sinh hoạt có những thay đổi. Nhưng những thay đổi ấy không có ý nghĩa nhiều lắm so với sức lao động và sự hy sinh của họ hơn nửa thế kỷ qua. Nếu chúng ta nhìn gần hơn nữa vào hiện thực trên cánh đồng của họ và nhìn sâu hơn nữa vào ngôi nhà họ, tôi tin chúng ta không thể cầm lòng.
Trước năm 1954, những người nông dân là những người làm thuê cho các chủ đất mà chúng ta gọi là địa chủ. Sau khi Miền Bắc được giải phóng mang theo cuộc cách mạng ruộng đất lớn, đất đai không thuộc về những chủ đất trước đó nữa. Nhưng bản chất sâu xa thì người nông dân vẫn chưa thực sự trở thành người chủ sở hữu đất đai của họ. Hợp tác xã được thành lập. Trước kia, đất đai thuộc sở hữu của một cá nhân thì sau này thuộc sở hữu của một tập thể những cá nhân. Những người nông dân vẫn chỉ là những người làm công ăn điểm. Họ không được toàn quyền quyết định hình thức và nội dung sản xuất của họ. Chỉ đến khi Khoán quản ra đời thì vai trò tự chủ của người nông dân đối với mảnh đất của họ mới được xác lập một phần. Nhưng việc sở hữu đất đai vẫn chưa thuộc về họ.
Lý thuyết về Khoán quản là của ông Kim Ngọc. Nhưng người thực hiện thành công đầu tiên lại thuộc về những người nông dân xã tôi – xã Sơn Công, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây. Ngày đó, các ông Phạm Văn Đồng, Tố Hữu và một số vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã về xã tôi để tận mắt nhìn thấy sự thay đổi lạ lùng này. Báo Nhân Dân đã có hẳn một bài báo của nhà báo Đắc Hữu với dòng tít lớn: "Sơn Công, câu trả lời cho vấn đề nông nghiệp Việt Nam". Và ông chủ nhiệm hợp tác xã Sơn Công đã trở thành đại biểu Quốc hội ngay sau đó khi ông mới chỉ học hết lớp ba. Dăm năm trước, nhân một lần về quê, tôi đã đến thăm ông. Ông là người đầu tiên và có lẽ là người duy nhất của xã tôi là đại biểu Quốc hội. Ông vẫn thế, ngôi nhà ông ở vẫn thế, không có một chút gì thay đổi ngoài thời gian phủ những nếp nhăn lên gương mặt ông và phủ rêu phong lên những bức tường.
Nhưng từ đó đến nay, phương thức sản xuất nông nghiệp của những người nông dân vẫn không có gì thay đổi đáng kể. Vào những năm 1950 và đặc biệt những năm đầu của thập kỷ 60 của thế kỷ trước, hệ thống tưới tiêu, hệ thống cơ giới và kỹ thuật nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp khá tốt. Ngày đó, người nông dân được tuyên truyền về tương lai của những cánh đồng. Tương lai này có thể gọi là thời đại cơ giới hóa. Máy móc và kỹ thuật sẽ trợ giúp việc canh tác của họ. Bản thân những người nông dân cũng tin và mơ ước như thế. Nhưng cho đến bây giờ, sau mấy chục năm, giấc mơ cơ giới hóa nông nghiệp đã coi như tan biến. Ngay cả những người tuyên truyền về giấc mơ này cũng “ngủ” thiếp từ lâu. Tôi mang cảm giác người nông dân bị bỏ mặc và trở nên bơ vơ trên cánh đồng đầy nắng mưa, bão gió.
Thay vào giấc mơ cơ giới hóa là sự trở về của một hiện thực. Đó là một hiện thực buồn với hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau. Hình ảnh này trước kia được dùng để nói về nỗi thống khổ và lạc hậu của người nông dân thì bây giờ lại là hình ảnh quá quen thuộc trên những cánh đồng. Nhưng ngay cả trâu bò cũng không đủ cho nông dân cày ruộng. Bởi thế, hình cảnh cha mẹ, con cái, cháu chắt những người nông dân còng lưng cuốc đất trên đồng mỗi ngày lại càng trở nên phổ biến. Đây không phải là một hình ảnh thơ mộng mà là một hình ảnh cay đắng.
Có một điều kỳ lạ là bây giờ, thi thoảng chúng ta vẫn thấy trên truyền hình hồ hởi đưa tin những người nông dân sáng chế ra máy gặt lúa, tuốt lúa, máy gieo hạt… như một thành tựu khoa học. Tôi xin hỏi những nhà sáng chế nhiều bằng cấp trong các viện sáng chế của Nhà Nước đang ở đâu và đang làm gì mà phải để cho mấy người nông dân có khi chỉ học hết lớp ba trường làng hì hục nghiên cứu ra một số phương tiện để bớt đi những vất vả của chính họ rồi truyền hình và một số báo chí lao vào ca ngợi như một sự phát hiện?
Một hiện thực nữa là từ năm 1954, chúng ta đã bắt đầu đào tạo những kỹ sư nông nghiệp một cách có hệ thống. Theo tôi biết, mỗi năm ít nhất có khoảng vài trăm kỹ sư nông nghiệp ra trường. Nhưng suốt một nửa thế kỷ qua, ở rất nhiều vùng quê tôi biết thì không hề có lấy một ông (bà) kỹ sư nông nghiệp nào về sống, làm việc cùng nông dân và hướng dẫn họ. Nhìn theo một khía cạnh nào đó thì những người nông dân cả nước đang sống theo kiểu du canh. Nghĩa là, họ sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo bản năng và thói quen như tổ tiên họ trước kia.
Những người nông dân được hỏi đều buồn bã thừa nhận rằng không ai quan tâm đến họ. Nhiều người nông dân nói: chúng tôi đang được quan tâm vì người ta muốn lấy ruộng để xây dự án. Họ được đền bù một số tiền mà họ chưa bao giờ có. Nhưng những đồng tiền đền bù đó chính là những đồng tiền sẽ mua sự thất nghiệp và những thách thức khác cho chính họ mà họ không biết. Hoặc họ có biết nhưng họ làm sao cưỡng lại được. Cái chính sách mà họ thực sự cần là chính sách tạo công ăn việc làm cho họ và con cháu họ sau khi không còn đất để cấy trồng nữa ở những nơi mà ruộng đất ngàn đời của họ đã và đang bị chung cư hóa. Nhưng một chính sách cụ thể như thế cho đến giờ không một người nông dân nào nhìn thấy và hình như cũng chưa nghe thấy.
Trong một triển lãm ảnh về nông thôn mà tôi đến xem, những bức ảnh chụp rất đẹp theo nghĩa nghệ thuật chụp ảnh. Nhưng tôi nhận ra rằng: những cảnh làm ruộng của những người nông dân của mấy chục năm trước kia và bây giờ chẳng khác nhau chút nào. Có khác thì chỉ khác một điểm. Đó là người nông dân đi sau đít con trâu mấy chục năm trước kia hiện ra trong ảnh đen trắng còn người nông dân bây giờ vẫn đi sau đít trâu nhưng là trong ảnh màu rực rỡ.
Những người nông dân đang đi theo một vòng tròn. Đấy không phải là ý của tôi. Đấy là ý của những người nông dân làng tôi. Họ nói: Ngày xưa ông bà chúng tôi làm ruộng thế nào bây giờ chúng tôi vẫn làm như thế. Chỉ khác là bây giờ có điện. Nhưng cứ vào ngày mùa thì điện lại cắt. Từ ý đó, hay đúng hơn từ hiện thực mà tất cả chúng ta đang nhìn thấy, tôi, một nhà văn có biết một chút phép tu từ nên viết thành câu: Họ đang đi theo một… vòng tròn.

Thư của đứa con người nông dân 2


BỨC THƯ THỨ HAI: “Tổng thu nhập một tháng của người nông dân” 
NGUYỄN QUANG THIỀU

Trong một tháng hay trong một năm, những người quản lý nông thôn nói riêng và những người quản lý xã hội nói chung có được bao nhiêu lần đặt câu hỏi cho chính trách nhiệm của họ: “Mỗi tháng, tổng thu nhập của một khẩu trong mỗi gia đình nông dân là bao nhiêu? Và với thu nhập như vậy họ sẽ sống như thế nào? ”Tôi không tin mỗi tháng thậm chí mỗi năm tất cả những người có trách nhiệm nói trên tự đặt câu hỏi này được một lần. Và nếu có ai đặt câu hỏi thì rất ít người trong số họ cũng không tự có câu trả lời được. Có câu trả lời rồi thì có bao nhiêu người sẽ suy nghĩ về hiện thực từ câu trả lời đó mà tìm giải pháp? 
Khi tiếp xúc với những người nông dân, tôi thường xuyên hỏi về tổng thu nhập mỗi tháng của một khẩu trong một gia đình họ là bao nhiêu. Dù rằng tôi biết họ đang sống một cuộc sống vô cùng vất vả nhưng tôi vẫn kinh ngạc khi nghe một con số cụ thể: “Tổng thu nhập một tháng trên một khẩu của chúng tôi là 40.000 đồng”. Bạn có choáng váng khi mỗi tháng, một người trong mỗi gia đình nông dân chỉ có 40.000 đồng để chi tiêu tất cả những gì họ cần không?
40.000 đồng có giá trị như thế nào lúc này. Đó là giá của 2 bát phở, giá của 4 lít xăng, giá của hai xuất cơm trưa văn phòng, giá của một cuốc xe ôm trên đoạn đường 10km, giá của hơn một bao thuốc lá 555, giá của 3 ly cà phê…
Tôi biết sẽ có rất nhiều người không thể tin rằng tổng thu nhập hàng tháng của một khẩu trong hầu hết những gia đình nông dân lại chỉ với một con số “kinh hoàng” như thế. Nhưng buồn thay đó lại là sự thật. Nếu có sai số thì cũng chỉ rất nhỏ, khoảng 5%. Nhưng sau này, tôi đã nghe rất nhiều người nông dân phản ứng khi họ biết được số liệu mà tôi thu thập về tổng thu nhập trên một khẩu ở những gia đình nông dân. Với họ, 40.000 đồng là một con số quá lạc quan. Họ nói, quá nhiều nơi, tổng thu nhập tính ra tiền trên một khẩu chỉ khoảng 25.000 đồng đến 30.000 đồng.
Theo khảo sát tạm thời của tôi hiện nay thì mỗi một khẩu ở nông thôn trung bình có 1, 2 sào ruộng để canh tác. Mỗi năm họ cấy hai vụ lúa với sản lượng trung bình là hai tạ/một sào. Mỗi tạ thóc bây giờ có giá là 250.000 đồng. Tuy nhiên giá thóc có thể lên đến 300.000đ/tạ. Nhưng giá thóc chỉ cao trong một thời gian không đáng kể. Đến mùa tới, đương nhiên là giá thóc sẽ cân bằng trở lại. Như vậy, mỗi năm bằng trồng lúa, một khẩu sẽ thu nhập là một triệu đồng. Xen vào hai vụ lúa là một vụ màu (ví dụ là ngô). Sản lượng ngô/1, 2 sào lúc này tính ra tiền xấp xỉ lúa. Như vậy, tổng doanh thu của một người nông dân trong một năm từ lúa và hoa màu trên mảnh ruộng của họ là khoảng 1.300.000 đồng.
Trong khi đó, chi phí cho tất cả các dịch vụ từ cày cấy, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thu hoạch, chế biến… chiếm ít nhất 60% tổng doanh thu. Thực thu còn lại của một người nông dân từ việc canh tác trên mảnh ruộng của họ mỗi năm là khoảng 500.000 đồng. Nếu chia ra 12 tháng thì mỗi người nông dân chỉ có khoảng 40.000 đồng cho toàn bộ chi tiêu trong một tháng. Tất nhiên, ngoài nguồn thu nhập từ canh tác trên mảnh ruộng của mình thì người nông dân phải tìm những nguồn thu nhập phụ khác như chăn nuôi, làm nghề phụ, làm thuê trong thời gian giáp hạt v.v… Nhưng những thu nhập phụ này không phải là nguồn thu nhập ổn định và cũng không đáng bao nhiêu. Chăn nuôi của hầu hết các gia đình nông dân cũng chỉ để cải thiện thêm đời sống của họ. Còn nghề phụ của hầu hết các làng nghề truyền thống đã và đang dần dần teo lại vì tính hiệu quả quá thấp.
Số ruộng tính trên một đầu người mà tôi đưa ra ở trên là một con số hơi lạc quan. Thực tế có những gia đình nông dân tính đầu người không quá một nửa sào ruộng và có nơi còn ít hơn thế. Vì tất cả những người sinh sau năm 1993 không còn được chia ruộng nữa. Vì vậy, một gia đình có 2 vợ chồng trẻ và 3 đứa con, tổng cộng là 5 người chỉ có 2,5 sào. Số gia đình như vậy ở nông thôn càng ngày càng nhiều. Nhiều người nói ruộng canh tác của nông dân càng ngày càng ít đi. Thực tế không hẳn là như thế. Nhưng vì dân số càng ngày càng tăng nên tất yếu số ruộng tính trên một đầu người càng ngày càng ít. Hơn thế, các khu công nghiệp, các khu đô thị mới, các khu vui chơi giải trí như sân gofl… càng ngày càng mở rộng và càng nuốt chửng hàng trăm, hàng ngàn và rồi sẽ đến hàng triệu hecta ruộng của những người nông dân.
Với hiện trạng như vậy, số phận người nông dân và con cháu của họ sẽ ra sao. Đất nước đã và đang phát triển. Đó là sự thật không ai có thể phủ nhận được. Nhưng sự phát triển này đang ngày càng mất cân bằng. Nếu chúng ta dựng đồ thị sự phát triển của những đô thị và các vùng nông thôn chúng ta sẽ thấy sự chệnh lệch giữa nông thôn và thành thị mỗi ngày một cao. Sự phân cấp giàu nghèo giữa những người nông dân và các thị dân càng ngày càng làm cho những người nông dân tủi nhục và cay đắng. Một thị dân chi tiêu một ngày đã gấp ba, gấp bốn tổng chi phí một tháng của một người nông dân. Đấy là sự so sánh giữa một thị dân ngèo với một người nông dân chứ chưa phải so sánh với một thị dân thu nhập cao.
Cách đây khoảng 7 năm, tôi có làm việc với huyện Mai Châu, Hòa Bình và được biết: số tiền mà Nguyễn Văn Mười Hai vay ngân hàng Nhà nước và đã làm thất thoát bằng tổng thu nhập trong 80 năm của huyện Mai Châu. Ngày nay, việc làm thất thoát tài sản của nhân dân còn lớn hơn nhiều lần Nguyễn Văn Mười Hai trước kia. Trong khi đó, thu nhập của người nông dân vẫn chẳng cải thiện được bao nhiêu.
Việc phân cấp giàu ngèo là vấn đề đương nhiên của mọi xã hội phát triển. Nhưng việc quên lãng những vùng nông thôn là việc không được phép. Không được phép về mặt lương tâm và không được phép trong chiến lược phát triển một đất nước. Những cuộc vận động “lá lành đùm lá rách” chỉ là một lối hành xử văn hóa chứ không phải là một chính sách, một chiến lược đối với nông dân.
Chính vì với một thu nhập “kinh hoàng ” như thế mà tương lai của các thế hệ trẻ ở nông thôn Việt Nam là một tương lai bất ổn. Nếu chúng ta quan sát một cách nghiêm túc, chúng ta sẽ thấy những thiếu nữ từ các vùng nông thôn đi như trảy hội về thành phố làm những nghề “mập mờ” và bán dâm. Việc dấn thân đi làm dâu ở Hàn Quốc, Đài Loan v.v… là một bi kịch. Tất cả chỉ vì họ cố tìm cách thoát ra khỏi cuộc sống quá ngèo đói và không nhìn thấy hy vọng của họ và gia đình họ.
Sự thật là họ không làm thế nào để cải thiện được cuộc sống của họ. Họ chỉ có từng ấy đất đai, chỉ có từng đó mùa vụ, chỉ có từng đó sản lượng, chỉ có từng đó phương tiện lao động, chỉ có từng đó tư duy canh tác… thì chỉ có từng đó thu nhập. Chúng ta phải thừa nhận là chúng ta không quan tâm đến họ một cách thiết thực và nói thẳng ra là chúng ta đã từng bỏ rơi họ. Mấy gói mỳ tôm ném xuống làng họ khi họ bị bão lũ đâu phải là một chính sách hay là một chiến lược. Có thể có một doanh nhân nào đó sẽ khó chịu, nói: Nông dân, hãy làm đi, đừng kêu than. Tôi xin hỏi: giữa một doanh nhân được mua hàng trăm, hàng ngàn hecta đất ruộng của những người nông dân với giá vài trăm ngàn hay vài triệu đồng/mét vuông để ngay sau đó bán lại một mét vuông đất đó trên sơ đồ quy hoạch với giá là hàng chục triệu đồng thậm chí hơn thế thì ai là người được “quan tâm” và ai là kẻ bị bỏ rơi? Hãy trả lời đi các quý vị!
Vì bài báo không thể dài hơn, bởi thế tôi không thể kê khai những gì mà những người nông dân phải chi tiêu một cách cụ thể hàng ngày, hàng tháng với mức tổng thu nhập trung bình chỉ là 40.000 đồng. Tất cả những ai không là nông dân hãy thử hình dung xem với 40.000 đồng để chi tiêu trong một tháng thì chúng ta sẽ phải làm như thế nào? Và sau khi tính toán kỹ lưỡng bằng mọi cách thì chúng ta sẽ tự hiểu những người nông dân hiện nay đang sống như thế nào?

Thư của đứa con người nông dân 3


Bức thư thứ ba: Số phận những người đàn bà thôn quê

NGUYỄN QUANG THIỀU

 

-...Họ (những người đàn bà thôn quê) sống như ở một thế giới khác và một thời khác thời chúng ta đang sống. Họ chỉ biết đến trâu bò, lợn gà, phân gio, bùn đất, cấy hái, con cái và muôn vàn nỗi lo khác. Và điều đau lòng mà tôi biết, họ không mấy khi có được một giấc mơ đẹp. Bởi hình như họ chẳng có một ngày thanh thản để một giấc mơ đẹp có thể bay về và trú ngụ trong tâm hồn họ...
 
Trong tập thơ "Sự mất ngủ của lửa" của tôi (Giải thưởng Hội Nhà văn 1993) có một bài thơ viết về những người đàn bà thôn quê. Bài thơ đó như sau:

 Trên đại lộ

 Những người đàn bà vác dậm đi thành một hàng dọc về phía bên phải sát mép đại lộ
 Người họ bọc kín bởi những lớp vải nâu và đen
 Chỉ đôi tay, đôi chân và đôi mắt lộ ra
 Nhưng tất cả cùng một màu như thế
 Những chiếc dậm trên vai họ như vầng trăng khuyết vớt từ bùn lên
 Những cái giỏ bên hông như những cái đầu trọc lắc lư theo nhịp bước
 Bóng họ đổ xuống đường thành những vũng đen
  
 Họ lặng lẽ đi như đội quân thất trận
 Cán dậm chúi xuống mặt đường - Những nòng súng gỗ hết đạn
 Những tấm áo rách sặc mùi bùn phơi trong lòng dậm như cờ ngày việc làng giã đám
 Vảy cá bám trên áo họ lấp lánh những tấm huân chương
 Họ chẳng cần tung hô, cũng chẳng đợi đón chào
  
 Như mây trước cơn giông trôi nặng nề, oi bức
 Những người đàn bà vác dậm đi thành một hàng dọc về phía bên phải sát mép đại lộ
 Họ đến từ đâu và sẽ đi đâu?
 Với mùi tanh cua ốc tỏa quanh người.
  
Tôi đã viết bài thơ này 17 năm về trước. Nhưng cho đến bây giờ, những hình ảnh trong bài thơ về những người đàn bà thôn quê lam lũ và u buồn hình như vẫn chẳng thay đổi bao nhiêu. Trên những con đường và trên những cánh đồng thôn quê, chúng ta vẫn nhìn thấy hiện thực ấy. Và bây giờ trong chính những đô thị thi thoảng chúng ta nhìn thấy họ đi qua khi chúng ta ngồi trong tiệm cà phê, quán ăn… Họ đi qua và bị lộ ra trước mắt chúng ta không thể nào che giấu được. Đại lộ trong bài thơ là hình ảnh của đô thị hóa. Đô thị hóa làm những ai đó thay đổi đời sống của mình, nhưng những người đàn bà thôn quê vẫn đang đi bên lề của sự đổi thay ấy. Họ đi như một sự cam chịu. Họ đi và không hề than thở. Họ thực sự là một đội quân thất trận trên cánh đồng của mình.

Đã có không ít họ và con cháu họ đã phải rời bỏ cánh đồng và quê hương mình để ra thành phố. Họ làm tất cả những gì có thể làm để bảo tồn sự sống của thân xác họ. Họ làm ôsin, họ làm bồi bàn, họ bán hàng rong và họ bán cả thân xác và tâm hồn họ… Nhìn vào mâm cơm của họ, nhìn vào giường ngủ của họ, nhìn vào gương mặt của họ… tôi luôn luôn mang cảm giác rằng họ không bao giờ có một giấc mơ đẹp sinh ra từ đời sống của mình.

 Hàng tuần tôi vẫn trở về làng mình và lúc nào tôi cũng bàng hoàng bởi sự đổi thay nhan sắc của những thiếu nữ thôn quê. Tóc họ vừa mới dài đấy, má họ vừa mới hồng đấy, mắt họ vừa mới lấp lánh đấy, lưng họ vừa mới thon thả đấy… nhưng chỉ như một cái chớp mắt tôi đã không còn nhận ra họ nữa. Họ nhanh chóng trở nên già nua và xấu xí như bị một mụ phù thủy hóa phép. Khi tôi cất tiếng chào họ trên đường làng thì không ít người cúi mặt đáp lại lí nhí và vội vã bước đi.

 Những người đàn ông quá mệt mỏi và thất vọng về sự cố gắng đổi thay đời sống của gia đình họ trên mảnh ruộng của mình, họ đã lao vào rượu chè và sự dữ dằn. Thế là bạo lực gia đình chẳng bớt đi mà mỗi ngày như một tăng lên. Tất cả sự thất vọng và cực nhọc được trút xuống những người đàn bà thôn quê. Chúng ta từng được biết qua các phương tiện thông tin đại chúng về những người đàn bà thôn quê bị bạo hành như thế nào. Nhưng đấy chỉ là những trường hợp chúng ta biết. Còn hầu hết, 99%, những người đàn bà thôn quê bị bạo hành đã cam chịu và không bao giờ nói cho chúng ta nghe. Bởi nếu họ cất tiếng thì tình trạng của họ cũng không cải thiện được gì mà những cơn phẫn nộ hung bạo lại càng gia tăng.
Chúng ta cũng đã từng đọc trên báo chí tâm sự của những thôn nữ đi bán mình. Họ bán mình một hai năm để có chút vốn trở về quê lấy chồng và lập nghiệp. Những chuyện như thế trước kia cũng có nhưng không phổ biến và không được coi là “chuyện thường tình” như bây giờ nữa. Trước kia, cả xã hội cùng nghèo. Nhưng bây giờ, sự phân hóa xã hội càng ngày càng có một vực sâu ở giữa mà những người đứng phía bờ của đói nghèo không bao giờ dám tin có ngày họ sẽ vượt qua.

Tổ tiên họ đã trồng lúa, ông bà họ đã trồng lúa, rồi cha mẹ họ và đến họ cũng vẫn trồng lúa. Trồng lúa chỉ duy nhất giúp họ không chết đói chứ không bao giờ giàu lên được. Những người đàn bà thôn quê đời này nối đời kia trồng cấy không ngơi nghỉ nhưng tôi cam đoan hầu hết gia đình họ không có nổi vài triệu tiền mặt trong nhà. Nhưng chỉ một người có tên là doanh nhân đến và mua hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn hecta đất cấy trồng của họ để lập dự án xây chung cư và bán cho những người giàu có thì lập tức họ có trong tay hàng trăm, hàng nghìn tỷ. Đấy là sự thật đang diễn ra hàng ngày mà chúng ta ai cũng biết.

 Như hình ảnh trong bài thơ của tôi, họ vẫn đi sát mép đại lộ như một sự chấp hành tội nghiệp và không than thở. Những người đàn bà ở rất nhiều vùng thôn quê sống như một tù nhân trong chính ngôi nhà của họ. Họ bị bắt sinh đẻ hết đứa con này đến đứa con khác. Có những người đàn bà thôn quê làm cho tôi nghĩ lúc nào họ cũng có thai. Họ phải lao động nhiều hơn những người đàn ông. Họ không còn biết đến điều gì thuộc về đời sống tinh thần. Họ không có báo, có sách để đọc, họ không biết đến mỹ phẩm, họ không biết đến cả một bát phở tồi bán ở thị trấn, họ làm sao biết đến những từ như sinh tố, kem caramen, cà phê nâu, sữa chua… Họ càng không biết đến nhà hàng hay tiệm làm tóc…
Họ sống như ở một thế giới khác và một thời khác thời chúng ta đang sống. Họ chỉ biết đến trâu bò, lợn gà, phân gio, bùn đất, cấy hái, con cái và muôn vàn nỗi lo khác. Và điều đau lòng mà tôi biết họ không mấy khi có được một giấc mơ đẹp. Bởi hình như họ chẳng có một ngày thanh thản để một giấc mơ đẹp có thể bay về và trú ngụ trong tâm hồn họ. Trong suốt những năm chiến tranh, họ sống âm thầm với bao giáo lý về đức hạnh để chờ chồng. Ngay cả khi người chồng đã hy sinh, họ cũng không dám đi bước nữa bởi bao ràng buộc và thói thị phi.

Nhiều năm nay, tôi đã cố gắng làm những gì có thể cho đời sống văn hóa của làng tôi. Bởi tôi chỉ mong muốn tôi và bạn bè mình có thể mang đến cho họ một khoảnh khắc hạnh phúc để tạm quên đi những cực nhọc và u buồn đằng đẵng bám theo cả cuộc đời họ. Hai câu thơ cuối cùng tôi viết: Họ đến từ đâu và sẽ đi đâu? Với mùi tanh cua ốc tỏa quanh người. Tôi đang nói về họ chứ không phải nói về những câu thơ của mình. Cũng 17 năm về trước, tôi đã gặp những người đàn bà thôn quê đi buôn cá khô, nước mắm, cua ốc trên những chuyến xe khách. Từ áo quần, tóc tai họ tỏa ra mùi cá khô và mùi gà vịt. Họ nghẹo đầu ngủ trên xe và có người miệng chảy dãi. Và tôi đã viết Giấc mơ như thế nào trong giấc ngủ thế kia? Đó không phải là một câu thơ. Đó là một câu hỏi như một tiếng nấc khổ đau.

 Cuộc sống của con người đâu chỉ sinh ra, lớn lên, kiếm từng miếng ăn để nhét đầy dạ dày mà phải được khai mở tâm hồn và trí tuệ. Nhưng những người nông dân nói chung và những người đàn bà thôn quê nói riêng đã sống một cuộc sống hầu như không có sự khai mở ấy. Những điều tôi đang viết đây có thể ai đó cho rằng tôi đang cố tình bi kịch hóa đời sống của những người đàn bà thôn quê. Nhưng đó là sự thật, và nói chính xác hơn đó chỉ là một phần của sự thật. Hãy đến với họ và sống với họ, chúng ta sẽ phải kinh ngạc kêu lên: Chẳng lẽ con người sinh ra để sống như thế ư? Và làm cách nào mà họ có thể sống được một cuộc sống như thế khi quanh họ tất cả đã và đang thay đổi?

Thư của đứa con người nông dân 4


BỨC THƯ THỨ 4 : Sự lựa chọn cay đắng…
NGUYỄN QUANG THIỀU
Trong một lần về quê cách đây vài tháng, tôi ghé qua Trạm y tế xã. Trước kia người ta gọi là trạm xá. Trạm y tế bây giờ là một ngôi nhà cấp bốn tường đã bắt đầu mục nát, một quầy thuốc hình như không để đựng thuốc, một vài chiếc giường cái có chiếu, cái không…Tôi lên tiếng mãi mà chẳng có người đáp lại. Những cán bộ y tế của Trạm bây giờ thực ra chỉ là những người bán thuốc lẻ giá cao cho người dân ở vùng đó. Tất cả những hình ảnh ấy đã chứng minh sự “lụi tàn” của mạng lưới y tế cơ sở.
Bây giờ, những căn bệnh hiểm ngèo mỗi ngày một tăng lên. Nguồn nước mà những người nông dân xử dụng hàng ngày không hề có bất cứ sự trợ giúp nào của các hệ thống xử lý ô nhiễm. Nhiều nơi, những người nông dân vẫn dùng nước từ những chiếc giếng làng mà thực chất là nước đầm nước ruộng chảy vào. Đa số các gia đình nông dân dùng giếng khoan với một hệ thống lọc tự chế. Mới đây, một tài liệu khoa học công bố 80% nguồn nước ở nông thôn bị ô nhiễm. Nhưng tôi chắc chắn rằng : ở nhiều làng, 100% nguồn nước đã bị nhiễm độc. Bởi thế mà trong thế kỷ này ở Việt Nam mới xuất hiện những làng ung thư.
Bây giờ về quê, khác với mấy chục năm trước, lúc nào tôi cũng nghe người làng nói về những căn bệnh hiểm ngèo và quái dị mà người làng tôi mắc phải. Nhiều đêm ở quê, tôi ngồi nghe chó sủa và những câu chuyện bệnh tật của những người trong họ ngoài làng mà buồn vô hạn, mà hoang mang vô cùng. Bệnh tật là như thế. Nhưng việc chữa bệnh đối với những người nông dân có thu nhập vài chục ngàn đồng một tháng còn thế thảm biết bao. Việc chữa bệnh cho những người nông dân giờ đã thị trường hóa. Tất cả những người nông dân đều không có bảo hiểm. Vì vậy, họ phải đứng trước thách thức của việc chữa bệnh như đứng trước một bức tường không thể vượt qua.
Một tháng thu nhập trên dưới 40.000 đồng trong khi đó có những vỉ thuốc loại trung bình đã hơn trăm ngàn. Mà khi có bệnh đâu phải chỉ uống một vỉ thuốc là khỏi. Giá thuốc tằng cao đã đẩy người nông dân đến gần hơn cái chết. Điều tôi nói đây không phải là một hình tượng mang tính văn học mà là một thực tế. Có những người nông dân làng tôi mắt mờ dần khi tuổi còn chưa cao. Nếu đi mổ mắt để thay thủy tinh thể chẳng hạn thì họ cũng phải mất đôi ba triệu đồng cho một bên mắt. Đấy mới chỉ là giá cho một mắt. Còn nếu mổ cả hai mắt thì tất nhiên là số tiền chi phí phải gấp đôi. Đó là chưa kể tiền tàu xe đi lại, tiền ăn uống, tiền nằm viện, tiền bồi dưỡng các bác sỹ “lương y như từ mẫu”. Bởi thế, hầu hết những người nông dân phải đứng trước sự lựa chọn : hoặc là bán tất cả những gì có thể bán để chữa bệnh hoặc dần dần trở thành người mù. Thật đau lòng và thật kinh hoàng là có những người nông dân đã chọn con đường trở thành một người mù lòa. Thưa bạn đọc, bạn có tin điều ấy là sự thật không ?
Tôi có một người chú họ bị ngã gãy xương bả vai. Như muôn vàn người bị tai nạn như thế, ông muốn được bó bột. Nhưng biết bao nhiêu năm nay, không bao giờ trong túi ông có quá 50.000 đồng. Các con ông cũng ngèo khó quá, cay cực quá đã không dám đưa ông đi bó bột. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết định bỏ mặc cái xương bả vai bị gãy ấy. Ông không nói cho hàng xóm láng giềng biết mình bị gãy xương. Và ông đã âm thầm chịu đựng những cơn đau đớn do cái xương gãy gây ra. Rồi đến một ngày, vai ông thành tật. Lúc đó ông mới kể chuyện cho một vài người thân nghe. Ông nói : tôi già rồi không lao động được nữa thì bó bột cái xương gãy cũng chẳng cần thiết. Tiền bó xương để cho con cái mua gạo, mua muối còn tốt hơn. Thưa bạn đọc, bạn có tin trên cuộc đời trong những năm tháng này có những câu chuyện bi thương như thế không ?
Cách đây dăm năm, làng tôi có người bị bệnh hiểm ngèo. Thận ông bị suy. Nếu ông muốn sống thì chỉ còn cách hoặc thay hai quả thận đó hoặc phải đến bệnh viện thường xuyên chạy thận. Nhưng để chạy thận thường xuyên hay để thay hai quả thận thì ông chỉ còn cách bán cả nhà cả ruộng đi mới đủ chữa bệnh. Nhưng nếu ông bán nhà bán ruộng đi thì con cháu ông chỉ còn một con đường là đi ăn mày để mà sống. Trước tình cảnh đó, ông phải lựa chọn một trong hai con đường : hoặc bán sạch nhà cửa, ruộng vườn hoặc là đi đến cái chết. Cuối cùng, ông chọn cái chết. Ông nói rằng : nếu ông có sống đến 90 hay 100 tuổi thì ông cũng không thể làm ra đủ số tiền để mua lại cho con cháu nhà cửa, ruộng vườn mà ông đã bán để chữa bệnh. Vậy thì theo ông, quyết định chọn cái chết là quyết định sáng suốt nhất của ông. Thưa bạn đọc, bạn có tin có người đã lựa chọn cái chết cho mình một cách bi thương như thế không ?
Mỗi lần nghĩ đến câu chuyện này, tôi vẫn không thoát khỏi cảm giác kinh hoàng. Nếu người đó là cha, là anh mình hay là một người ruột thịt nào đó của mình thì chúng ta sẽ nghĩ như thế nào và sẽ đau đớn đến khi nào mới nguôi. Không ai muốn chọn cho cá nhân mình sự đau đớn thân xác vì bệnh tật, không ai lại muốn chọn cái chết hơn chọn sự sống. Nhưng hiện thực đã dồn họ vào chân tường mà không có một khả năng nào chống đỡ. Họ đã bỏ mặc cuộc đời họ cho số phận. Bởi với rất nhiều những người nông dân ngèo khổ thì họ không còn cách lựa chọn nào khác.
Với một vài hiện thực nói trên, chúng ta còn cách nói nào khác là phải nói rằng : những người nông dân đang bị bỏ rơi trong thế giới này. Và họ cùng con cháu họ đang phải sống với rất nhiều đe dọa. Cho dù người Việt Nam ta có truyền thống lá lành đùm lá rách. Nhưng dù cho chúng ta thường xuyên làm như vậy thì chúng ta cũng chỉ giúp được một số ít ỏi những người nông dân như thế mà thôi. Chúng ta phải làm một cách khác. Mà cách ấy phải bắt đầu từ một lương tâm rộng lớn : vì con người và một tư duy chiến lược thực sự về nông thôn và những người nông dân.

Thư của đứa con người nông dân 5


BỨC THƯ THỨ 5 : vẫn chỉ là xóa nạn mù chữ (?)
NGUYỄN QUANG THIỀU

Vào những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, rất nhiều làng quê phá đền chùa để xây dựng các công trình khác như sân kho Hợp tác xã, Trụ sở Chính quyền địa phương, trường học…Tôi đã được chứng kiến ngôi chùa làng tôi bị phá để xây trường. Ngôi chùa làng tôi rất lớn và được xây dựng từ lâu đời, cho nên làng tôi được gọi là làng Chùa. Chính mắt tôi nhìn thấy người ta ném những ông tượng phật bằng đất xuống ao chùa. Sau đó, một trường học cấp I đã mọc lên.
Sau khi có trường, những người nông như sống trong giấc mơ. Con cháu họ đã bắt đầu được đi học. Cuộc cách mạng xóa nạn mù chữ lần thứ hai được tiến hành với một qui mô rộng khắp. Trước năm 1954, phong trào bình dân học vụ coi như cuộc cách mạng xóa nạn mù chữ lần thứ nhất. Mẹ tôi là một trong những người tiến hành cuộc cách mạng xóa nạn mù chữ đó. Sau này mẹ tôi trở thành bà giáo làng cho đến lúc về hưu.
Sau khi phá chùa xây trường học, con đường mà người ta vạch ra cho một nền giáo dục ở nông thôn là một con đường lý tưởng. Bởi Chủ nghĩa xã hội được xây dựng không chỉ ở các thành phố lớn mà là trên toàn Miền Bắc. Chính thế mà một nền giáo dục tiên tiến sẽ phải đi trước để tạo ra một nguyên liệu quan trọng nhất xây dựng một xã hội giàu mạnh. Nguyên liệu đó là con người có tri thức. Những thế hệ trẻ là con cái những người nông dân sẽ được đào tạo tiêu chuẩn để phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước mà cụ thể là nông thôn của họ. Nhưng nền giáo dục đã không đáp ứng được bao nhiêu cho điều ấy. Hiệu quả nền giáo dục ở nông thôn xét theo chiều sâu chất lượng và sự phát triển xã hội đã gần như dậm chân tại chỗ.
Ngày nay, với mức thu nhập “bi thương” của mình, đời sống của những gia đình nông dân đã bị những cơn bão giá tàn phá một cách thảm hại trên đường đi của nó. Bởi thế, người nông dân tập chung toàn bộ sức lực của mình chỉ để duy trì mức sống tối thiểu nhất ngày ngày cho gia đình họ. Việc xử dụng tài chính cho chuyện học hành của con cái họ là một điều không tưởng. Quan sát hàng chục năm nay tôi nhận thấy, giấc mơ lớn nhất của họ là tìm cách đưa con cái mình ra khỏi cảnh con trâu đi trước cái cày đi sau và con cháu mình đi…sau rốt.. Không phải những người nông dân không còn yêu những cánh đồng có thể gọi là những cánh đồng mồ hôi và máu của họ mà bởi nếu cứ làm ruộng như họ đang phải làm một cách đơn độc thì suốt đời họ sống trong lam lũ và thiếu thốn. Họ cảm thấy không thể mãi mãi cúi đầu, còng lưng cấy cày cho đến khi ngẩng mặt lên nhìn thì thấy những thị dân đã sống ở một thế giới khác. Nhưng hầu hết các gia đình nông dân đã phải giã từ giấc mơ ấy vì họ không có gì trong tay để thực hiện giấc mơ của mình. Và bắt đầu một thời đại của sự thả nổi tương lai của con em những người nông dân bằng cách thả nổi việc học hành của những đưa trẻ.
Thực tế lâu nay, những người nông dân không quan tâm đến việc nhà trường dạy gì và dạy thế nào con em họ. Họ không quan tâm đến dạy thêm, đến luyện thi, đến việc vào trường này hay trường kia. Rất nhiều gia đình nông dân không cần quan tâm đến học bạ của con em mình. Những đứa trẻ đến trường một buổi và ra đồng một buổi. Hầu hết con em những người nông dân học hết phổ thông trung học lại trở về cày cấy như tổ tiên, ông bà, cha mẹ và anh chị chúng. Cũng có những gia đình nông dân cho con cái họ theo học ở một trường dạy nghề nào đó. Nhưng khi ra trường thì chúng cũng không xin được một việc làm nào cho tử tế.
Nhìn sự mệt mỏi của học sinh và sự hờ hững của phụ huynh, thầy cô cũng chẳng còn hứng thú gì mà truyền đạt kiến thức hay những giấc mơ về tương lai cho học sinh. Tất cả, từ học sinh đến thầy cô và đến phụ huynh, đều mệt mỏi và đánh mất cảm hứng. Như vậy thì hiệu quả giáo dục ở nông thôn sẽ là cái gì ? Không ít các thầy cô giáo ở các trường làng chậc lưỡi : Thôi cứ cho chúng nó lên lớp dù chẳng biết chữ gì. Chứ học xong thì cũng về đi cày đi cấy chứ làm được trò trống gì đâu. Bởi thế mà những năm gần đây, chúng ta phải chứng kiến sự thê thảm của kiến thức học sinh. Và lâu nay, ở rất nhiều các trường ở nông thôn trong cả nước, tỷ lệ học sinh lên lớp, học sinh khá giỏi và kết quả thi tốt nghiệp là một kết quả giả.
Hiện tượng học sinh bỏ học ở một số vùng càng ngày càng nhiều bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất : gia đình học sinh quá ngèo khó. Thứ hai : các phụ huynh ở những vùng đó nhận thấy rằng tiếp tục cho con em mình đi học cũng chỉ là kéo dài thời gian đến trường mà thôi chứ chẳng giải quyết được gì cho gia đình họ và cho bản thân học sinh đó. Vì học hành chẳng còn hứng thú và tương lai trông chờ vào việc học hành cũng quá mơ hồ, học sinh là con em những người nông dân đã kém lại càng kém hơn. Tất nhiên cũng có một vài gia đình có điều kiện thì con em họ mới có điều kiện để học hành và hy vọng. Đa số học sinh nông thôn đến lớp học cho xong chứ bản thân chúng cũng thừa biết sẽ gắn liền với đồng ruộng trâu bò suốt đời. Mà ở nước ta, tất cả đều hiểu rằng : gắn liền với ruộng đồng là gắn liền với ngèo khó. Nếu làm nông dân trong những điều kiện như nông dân các nước khác thì khát vọng từ bỏ ruộng đồng của họ sẽ không phải là một khát vọng đau đớn và luôn luôn ám ảnh họ.
Chính vì học hành như thế, chỉ sau khi rời bỏ nhà trước một vài năm và vùi đầu vào cuộc mưu sinh vô cùng cự nhọc, những học sinh đã từng học hết lớp 10, lớp 12 lại trở thành những người ở cấp độ mới được xóa nạn mù chữ mà thôi. Thực tế, có những học sinh sau khi rời ghế nhà trường trở về cày ruộng trong hai, ba năm liền không dùng đến giấy bút một lần nào. Những chàng trai , cô gái nông dân này trong vài ba năm có khi cũng không đọc một trang sách hay một mẩu báo nào. Có chăng họ chỉ đọc mấy hàng chữ quảng cáo trên màn hình tivi mà thôi. Vì hầu hết ở nông thôn lấy đâu ra báo, ra sách mà đọc.
Những gì chúng ta nhìn thấy khi đi qua một làng nào đó cũng chỉ là cái vỏ bên ngoài mà thôi. Nghĩa là thấy những ngôi nhà xi măng quét vôi vàng vôi xanh và thấp thoáng chiếc xe máy Tàu. Còn thực chất dân trí của hầu hết các làng quê là quá thấp và không được cải thiện bao nhiêu. Tất cả cũng chỉ vì nền giáo dục hời hợt và vì chúng ta không có một chính sách nào có tính chiến lược cho nền giáo dục ở các vùng nông thôn để nâng cao dân trí người dân. Tôi đã học ở Cuba bốn năm, tôi thấy mặc dù rất khó khăn về kinh tế, nhưng một trong chiến lược quan trọng nhất của Chính phủ Cuba là phổ cập giáo dục ở trình độ cao cho các vùng nông thôn. Chính phủ Cuba giành cho giáo dục ở các vùng nông thôn những điều kiện ưu tiên đặc biệt. Tại sao Cuba làm được trong cả những năm tháng dân tộc này rất đói khổ mà chúng ta không làm được ngay cả bây giờ. Bởi Chính phủ Cuba nhận thức một cách sống còn rằng : chiến lược về tri thức con người là chiến lược đầu tiên và tối thượng. Còn đi học để cho có học và dạy để cho có dạy thì cũng chỉ là một hình thức xóa nạn mù chữ mà thôi.

Thư của đứa con người nông dân 6


BỨC THƯ THỨ 6 : “Chúng tôi đang mất làng”


NGUYỄN QUANG THIỀU
Những gì tạo lên một làng Việt Nam truyền thống đang càng ngày bị phá vỡ. Theo nghiên cứu của cá nhân tôi, có hai nền tảng cơ bản của một làng Việt Nam truyền thống đang bị phá vỡ. Nền tảng cơ bản thứ nhất là mô hình kiến trúc làng truyền thống. Nền tảng cơ bản thứ hai là bản chất của văn hóa làng. Cả hai nền tảng này đang bị phá vỡ và nó dẫn đến sự hủy diệt làng Việt Nam.
Công cuộc đô thị hóa nửa vời và thiếu trách nhiệm ở các vùng quê đã đẩy mô hình kiến trúc làng vào một bi hài kịch. Điều này khẳng định các nhà quy hoạch và quản lý nông thôn không hề có khái niệm gì về làng truyền thống và họ cũng không có một ý tưởng hay một trách nhiệm gì về sự phát triển nông thôn. Không có một luật pháp nào quy định việc bảo tồn thiên nhiên và kiến trúc làng. Và cũng không có một hướng dẫn nào của những người quản lý và quy hoạch nông thôn cho việc đó. Kiến trúc ở nông thôn cuối thể kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 là một kiến trúc tồi tệ nhất trong lịch sử kiến trúc Việt Nam. Nó là một thứ hỗn tạp đến kinh hoàng. Tôi sẵn sàng đối chất với bất cứ nhà quy hoạch hay quản lý nông thôn nào ở Việt nam về vấn đề này.
Chỉ lấy vì dụ về kiến trúc ở các vùng nông thôn của một số nước Chấu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…thì chúng ta thấy các nhà quản lý và quy hoạch nông thôn chính là thủ phạm phá hỏng các làng Việt Nam truyền thống. Các làng ở các nước tôi vừa kể trên vẫn lưu giữ được những vẻ đẹp và tính truyền thống của kiến trúc đặc trưng mà vẫn tạo ra những tiện ích cho một đời sống hiện đại. Vì thế, không thể lấy lý do của những nhu cầu sinh hoạt và làm việc của đời sống công nghiệp mà biện minh cho những sai lầm trong kiến trúc nông thôn hiện đại. Trong khu Việt Phủ Thành Chương, họa sỹ Thành Chương đã xây những ngôi nhà truyền thống đẹp về thẩm mỹ và xúc động về tinh thần nhưng bên trong vẫn là những tiện ích cho một đời sống rất hiện đại.
Những người nông dân quả thực không có nhận thức và kiến thức đúng về vấn đề này. Nhưng họ lại là những người không có lỗi. Các nhà quản lý và quy hoạch nông thôn phải có chiến lược tuyên truyền cho họ và có luật pháp để ngăn chặn sự tùy tiện của họ. Bởi thế, các nhà quản lý và quy hoạch nông thôn bắt buộc phải có sự hiểu biết đúng về làng truyền thống và có sứ mệnh hoạch định chiến lược bảo tồn và phát triển làng Việt Nam truyền thống. Bởi làng Việt Nam truyền thống không phải là một cụm cư dân lâu đời mà là nơi sinh ra văn hóa Việt. Nếu không tin, bạn hãy làm phép loại trừ bạn sẽ nhận ra rằng chúng ta chẳng còn gì khi không còn văn hóa làng. Hầu hết những người có hiểu biết và có ý thức đều kinh hoàng và thất vọng khi nhìn thấy càng ngày càng thêm nhiều làng quê Việt Nam bây giờ chỉ là một đống bê tông thô thiển, nặng nề và vô cảm. Tôi tin chắc rằng 30 hoặc 50 năm sau hoặc có thể lâu hơn chút nữa, người ta sẽ phải phá bỏ những ngôi nhà và những công trình công cộng ở các làng quê hiện nay để tìm lại những giá trị văn hóa của làng và tìm lại chính mình.
Kiến trúc nông thôn là hình thức của làng truyền thống thì lối sống của người thôn quê là bản chất của văn hóa làng. Nhưng lối sống của những người nông dân đã đang thay đổi quá nhiều. Những năm gần đây, việc xây dựng lại đền chùa và tổ chức lại các lễ hội không phải là sự phục hưng văn hóa làng. Bởi ngay chính trong việc xây dựng lại đền chùa và tổ chức lại lễ hội ấy chứa đựng trong đó tính thực dụng quá nhiều. Chính những hoạt động lễ hội ở các làng hay các vùng quê trong một hai thập niên trở lại đây đã gián tiếp giết chết bản chất của các lễ hội truyền thống. Còn những hoạt động gọi là văn hóa khác lại rơi vào những hoạt động mang tính phong trào. Cứ như thế, những hoạt động đó đã từng bước phá vỡ sự thuần khiết của tâm hồn con người ở thôn quê.
Bây giờ, những người nông dân không đói ngèo như trước kia. Nhưng chưa bao giờ người thôn quê lại tìm cách xây những bức tường bê tông cao, có lúc gắn mảnh chai sắc và thậm chí mắc dây điện trần để chống lại hàng xóm hay người làng mình. Bởi bây giờ, những người thôn quê không còn tin nhau nữa. Họ ngờ vực nhau. Họ đang đánh mất tính cộng đồng rất đặc biệt của làng xóm Việt Nam.  Chủ nghĩa thực dụng đã gặm nát truyền thống đùm bọc tắt lửa tối đèn có nhau của người thôn quê. Chủ nghĩa thực dụng này hiện hữu trong cả nhiều hoạt động từ thiện rầm rộ. Tôi còn nhớ mãi câu chuyện mẹ tôi kể về những người hàng xóm của tôi đã giúp đỡ một gia đình ngèo khó trong xóm. Ngày ấy, mỗi ngôi nhà ở quê chỉ có một cái cổng ngõ hoặc một bờ dậu sơ sài ai cũng có thể vào được.  Và thế là, họ đã phân công từng gia đình bí mật bỏ lúa bỏ khoai vào bồ của gia đình ngèo khó đó mỗi lúc một ít. Họ làm vậy để gia đình ngèo khó kia không thể nhận ra ngay sự giúp đỡ của người khác. Họ đã vì nhau mà không cần đến quảng bá “lòng tốt” của mình cho thiên hạ biết. Khi đã tìm cách quảng bá cho thiên hạ biết “lòng tốt” của mình thì chủ nghĩa thực dụng đã có sẵn trong đó rồi.
Nhưng bây giờ thì tôi chẳng thể tìm được những câu chuyện như vậy nữa. Đó là một trong rất nhiều câu chuyện kỳ diệu trong những năm 70 của thế kỷ 20 về trước. Từ đó đến nay mới chỉ hơn 30 năm. Thế mà lòng người đã đổi thay quá nhiều. Bây giờ con người đâu đói khổ như 30 năm trước kia. Nhưng lòng tham và thói ích kỷ của con người tăng lên gấp bội. Quan hệ giữa người này với người kia và nhà này với nhà khác trong làng mỗi ngày một giống quan hệ của những người ở chốn đô thị. Mỗi một cộng đồng dân cư có những đặc điểm trong sinh hoạt cộng đồng khác nhau. Nhưng nếu làng mất đi quan hệ tối lửa tắt đèn có nhau thì có nghĩa là văn hóa làng đang mất.
Chúng ta ngày ngày nói về sự tăng trưởng kinh tế nhưng chúng ta chẳng mấy khi nói về sự phát triển nhân cách và tâm hồn con người. Ngay cả trong các sáng tác văn học nghệ thuật của chúng ta lâu nay, nơi lẽ ra người ta chỉ để tôn vinh cái đẹp và sự dâng hiến, lại chứa đầy thói vị kỷ và tự phụ của chúng ta. Đối với dân tộc Việt Nam thì làng, nơi khởi sinh và cũng là nơi trú ngụ cuối cùng những vẻ đẹp thuần khiết của tâm hồn đã và đang bị phá vỡ. Vậy thì tâm hồn chúng ta sẽ tìm về đâu để được trú ngụ, để được hồi sinh và để được tắm rửa trong nguồn nước của văn hóa?
Những công dân đích thực cuối cùng của làng quê Việt Nam đang kêu lên : “ Chúng tôi đang mất làng”. Họ sẽ ra đi vĩnh viễn. Và thay vào họ sẽ là những con người đắm chìm trong chủ nghĩa thực dụng và thói vô cảm. Nhiều lúc tôi cứ cất lên câu hỏi như một kẻ xa lạ trong thời đại này : Tại sao người ta lại bỏ quên những làng quê Việt Nam như thế. Thực tế cho thấy : họ chỉ quan tâm đến làng quê khi họ cần lợi dụng làng quê cho lợi ích của một cá nhân hay một nhóm cá nhân của họ.

Thư của đứa con người nông dân 7


Bức thư thứ 7: một dự báo về làng 30 năm sau
NGUYỄN QUANG THIỀU
Tôi sống giữa làng quê như người ngồi trên một con tàu. Con tàu này thực sự đã đi chệch đường ray. Cho dù bây giờ, tất cả người lái tàu cho đến hành khách đều nhận ra điều ấy thì chúng ta cũng không thể dừng con tàu lại ngay lập tức và điều chỉnh hướng đi. Đoạn đường để cho con tàu chạy chậm dần và dừng lại sẽ phải mất một thời gian sớm nhất là 30 năm nữa.
Với những gì mà chúng ta đang đối xử với làng quê của chúng ta trong một hai thập kỷ trở lại đây đa cho thấy “tốc độ” sai lầm của chúng ta vẫn tiếp tục tăng lên. Kiến trúc làng quê Việt Nam truyền thống đã bị phá vỡ gần như hoàn toàn. Trong lúc đó, những người nông dân không có ai chỉ bảo và không có bất cứ chiến lược hay luật pháp nào về quy hoạch nông thôn ngăn cản đã đang tiếp tục “đắm mê” với sai lầm của mình. Còn chiến lược về văn hóa nông thôn thì hình như không có hoặc nếu có chỉ là một văn bản chung chung để báo cáo chứ không phải để thực hiện. Việc gìn giữ, tuyên truyền và phát triển văn hóa nông thôn, nền văn hóa cơ bản của nước Việt – văn hóa lúa nước – chỉ do một số người ở mỗi làng quê tự nhận thức và tự hành động chứ không hề có bàn tay cụ thể của những người làm công tác văn hóa. Thậm chí, “ bàn tay cụ thể ” của những nhà quản lý văn hóa đã trực tiếp làm hư hại đến văn hóa làng Việt Nam truyền thống.  Thử hỏi một năm có bao nhiêu hoạt động văn hóa ở mỗi làng ? Đa số các làng ở toàn bộ nông thôn Việt Nam chỉ có một hoạt động văn hóa. Đó là ngày hội làng. Ngay ở một thị xã, cả một năm chúng ta cũng khó có thể tìm ra một hoạt động hay một sự kiện văn hóa đúng nghĩa thì nói gì đến một làng.  Nhưng ngày hội làng giờ đây đã bị dẫn đi xa khỏi bản chất của nó. Nhiều nơi, người ta biến ngày hội làng thành một cơ hội kinh doanh thu lợi.
Cũng giống như chủ trương cơ giới hóa nông nghiệp, chủ trương sách cho nông thôn cũng chết hoàn toàn. Mấy chục năm trước, người nông dân còn có ham muốn đọc sách nhưng bây giờ thì không còn nữa. Ngay cả những cán bộ thôn, xã và giáo viên ở nông thôn đã mất hoàn toàn ý thức đọc sách vì sách quá đắt và vì văn hóa đọc sách đã mất hẳn. Chúng ta thử hỏi có bao nhiêu làng có thư viện ? Trong lúc đó, ngân sách chi cho văn hóa không nhỏ. Nhưng hầu hết ngân sách đó lại chỉ giành cho những hoạt động mang tính thành tích. Thử hỏi cứ 1000 người ở nông thôn thì có bao nhiêu người đọc sách ? Tự tin lắm thì tôi cũng chỉ dám nói : có 1/1000. Chính thế mà cả hình thức lẫn nội dung của một làng Việt Nam truyền thống đã không được bảo tồn và phát triển. Tất cả những gì thuộc về tư duy và ý thức của chúng ta đã đẩy làng Việt Nam đi xa khỏi bản chất của nó.
Bởi thế, mấy chục năm tới đây, chúng ta sẽ chỉ thấy hầu hết các làng Việt Nam, những cộng đồng đặc trưng và bền vững nơi chứa đựng những đặc tính cơ bản của văn hóa Việt lúc đó chỉ còn là một chỉ còn là một cụm dân cư hổ lốn vô bản sắc. Với cách xây dựng nhà ở và các công trình ở nông thôn như hiện nay thì lúc đó chúng ta chỉ thấy một đống bê tông xám xịt và rối loạn. Với một chính sách giáo dục và văn hóa sai lầm đối với nông thôn sẽ làm biến mất hay nói cách khách là giết chết những nét đẹp của văn hóa làng Việt Nam. Tính dòng họ và tính cộng đồng làng xóm Việt Nam bị phá vỡ và nông thôn bị dồn đẩy vào những nhóm cộng đồng nhỏ đầy tính ích kỷ và bị cô lập hóa.
Đó chỉ là một hình ảnh hết sức khái quát về các làng Việt Nam mấy chục năm tới. Đến lúc đó, những nhà quản lý và quy hoạch nông thôn của một thế hệ mới có nhận thức, có hiểu biết và có trách nhiệm lại bắt đầu tìm cách phục hồi những vẻ đẹp của văn hóa làng. Và họ phải mất bao nhiêu thời gian để làm được điều đó ? Xin trả lời rằng : ít nhất là 50 năm. Cho dù mấy chục năm tới, Việt Nam vô cùng giàu có thì chúng ta cũng chỉ phục hồi được phần kiến trúc nông thôn. Chúng ta có thể đập đi toàn bộ những khối bê tông phi thẩm mỹ và vô cảm để xây dựng lại. Nhưng những gì thuộc về văn hóa mà  chúng ta trực tiếp hay gián tiếp giết chết có thể phải mất cả hàng thế kỷ mới có thể phục hồi.
Những gì tôi đang nói về nông thôn và nông dân Việt Nam cũng mới chỉ là 50% sự thật. Hiện thực của nông thôn Việt Nam bâu giờ còn tệ hại hơn rất nhiều nhưng điều tôi nói. Từ một khẩu hiệu trên những bức tường của những ngôi nhà dọc đường làng đến các hoạt động xã hội hay gọi là văn hóa ở trong chính những ngôi đình làng đã không còn đúng với bản chất của văn hóa làng nữa. Sai lầm này tất nhiên thuộc về những người hoạch định chính sách và trực tiếp quản lý nông thôn. Với cá nhân mình, tôi không chấp nhận bất cứ lời biện minh nào của các nhà hoạch định chính sách và quản lý nông thôn. Họ phải thừa nhận sự sai lầm và vô trách nhiệm của họ.
Cá nhân tôi và nhiều người trong chúng ta đã nhận ra hướng đi sai trong sự phát triển nông thôn nhưng lại là những người bất lực. Chúng ta giống như những hành khách ngồi trên một chiếc tàu và nhìn thấy nó đi chệch đường ray. Nhưng chúng ta không phải là những người lái tàu. Chúng ta chỉ biết kêu lên tiếng kêu của những hành khách như một lời cảnh báo cho những người lái tàu đang ngủ gật hay đang uống bia trong tòa điều khiển như một sự tự thỏa mãn. Bởi có lẽ một trong những lý do làm cho những người lái tàu tự thỏa mãn là họ cảm thấy con tàu đang chạy với tốc độ cao. Họ nghĩ cứ đà chạy như thế, chẳng mấy chốc mà con tàu về tới đích. Nhưng khi đã chệch đường ray thì tốc độ cao chỉ gây ra một tai nạn khôn lường mà thôi.

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

LAO XAO TRƯA HÈ

Tạp văn của Phùng Phương Quý                      


Nắng ở Thủ đô gay gắt, đạt ngưỡng 39 độ C. Giữa ồn ào xe cộ và bụi bặm thì thời tiết này quả là “quá sức chịu đựng” với một nhà văn khá nổi tiếng. Từ chối lời mời đi xuống biển hay lên Tam Đảo, ông tìm về tá túc tại nhà ông bạn làm công tác nghiên cứu văn học dân gian ở một làng quê heo hút vùng trung du. Làng có tên là Làng Rền, một Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, nơi có những ngôi mộ táng đã hai nghìn năm tuổi.
Không khí ở đây thật trong lành. Giữa trưa hè nóng nực, hai ông bạn không ngồi quạt điện trong nhà mà kéo nhau bắc ghế ngồi ngay dưới rặng tre sát đường làng. Phía trước mặt là quả đồi thấp, lao xao tiếng gió khua trên tàu lá cọ. Một vạt xanh mỡ của lá sắn non, kẻ từng hàng đều đặn trên đất đỏ. Mặt hồ rộng khẽ gợn sóng, uể oải mấy tăm cá đớp bóng. Phe phảy chiếc quạt lá cọ, cảm nhận làn gió trời tinh khiết ve vuốt khắp cơ thể, ông nhà văn lim dim mắt tận hưởng. Bỗng ông mở choàng mắt reo lên: “Chim! Tiếng chim cu gáy ông ạ! Nó gù gần đây thôi”. Ông bạn người làng cười mỉm. “Lão chuyên viết về thành phố, toàn tả những cảnh salon, mỹ phẩm; tiệc tùng, nên thấy lạ thôi. Chim cu gáy ở đây còn nhiều, nó làm tổ trên mấy cây cọ kia chứ đâu”. Ấm nước vối để nguội ngọt chát. “Ông có thèm bia không để tôi sai các cháu đi mua?”. Nhà văn lắc đầu. “Ông cứ để tôi tự nhiên. Uống nước lá vối có cái hay riêng của nó”. Mấy bà trung niên nón lá, quạt cọ rón rén đi qua. “Chúng em đi qua nhờ hai bác tí ạ!”. Thấy bạn ngạc nhiên, chủ nhà bảo cái lệ làng nó cổ hủ thế đấy, ông thông cảm. Rõ ràng đường làng mình, cổng nhà mình, nhưng có ai ngồi cạnh đấy, muốn qua mặt thì phải xin phép ông ạ. Thông cảm nhá! Ông khách ngẩn mặt kêu: “Ối giời ơi! Tôi bái phục cái lệ làng nhà ông ấy chứ. Ông cứ về thành phố, chạy xe máy ra đường mà xem. Nó tranh giành nhau từng xăng-ti-mét, va quẹt người ta rồi còn quay lại chửi. Khủng khiếp lắm ông ơi!”. Lại hai ông già che quạt cọ trên đầu, đi ngang cất tiếng chào. “Ông mới về chơi ạ!”. Ông khách lúng túng bật đứng dậy, hai tay chắp trước ngực, đáp lời chào. Hai ông lão đi qua rồi, mới dè dặt hỏi: “Sao họ biết tôi mới về chơi hả ông?”. “Cả làng quen mặt nhau, có ông thành phố về, biết ngay ấy mà. Tí nữa xong cái đám hiếu, họ quay lại hỏi thăm bây giờ”. “Đám hiếu ở đâu?”. “Ở khu bên cạnh, ông không thấy mỗi bà xách một túi gạo đi à”. Chủ nhà phải giải thích cho ông nhà văn rõ, hương ước của làng từ bao đời nay quy định nhà nào có người thân qua đời, mỗi hộ đem tới giúp một đấu thóc. Bây giờ dân làng quy ra gạo. trong túi ni lon là nửa cân gạo và một nghìn đồng”. Khách chỉ biết giơ hai tay ngạc nhiên. Đấy là tình quê ông ạ. Làng này 800 nóc nhà, mang đến 800.000đ và 4 tạ gạo. Chậc! Chậc! Người thành phố chúng tôi thật…không làm nổi, dù nhiều tiền của hơn.
Chuyện nhà quê thì còn nhiều cái lạ. Nhiều phong tục, tập quán được gìn giữ hàng bao đời nay, mà các nhà văn hóa các ông thường gọi là “bản sắc dân tộc”. Nó quý lắm, nó gắn bó đời sống cộng đồng thành một khối gọi là “làng”. Các cụ xưa thường nói “còn làng là còn nước” phải không? Tuy vậy cũng còn nhiều cái cổ hủ chưa bỏ được. Ví như cái tục đi ăn cỗ xong, ai cũng có gói phần mang về. Gia chủ nào mời khách phải tính lượng gạo, thịt gấp rưỡi thực khách, vì khách về, còn phải kèm theo gói phần cho trẻ ở nhà. Hoặc như có đám cưới nào rước dâu qua, thế nào cũng gặp vài đám trẻ con, thanh niên chăng dây ngang đường “đánh bẹ” xin tiền.
Chủ nhà cười buồn. Hình như người nhà quê chúng tôi chịu khổ mãi quen rồi, giờ đời sống hiện đại lên họ khó thích nghi. Đấy là nói mấy người già trong làng. Quạt điện giờ nhà nào chả có, nhưng các cụ không thích cái thứ cứ quạt thông thốc gió vào mặt người ta đến ngạt thở. Các cụ thích phe phảy cái quạt cọ hay quạt mo, quạt nan. Mấy thứ quạt thô sơ này hợp với tính năng động, hay làm của người nông dân. Có vẻ như làn gió tự bàn tay mình tạo nên nó trong lành hơn, mát mẻ hơn. Như bà cụ M trong làng, năm nay thọ 108 tuổi rồi, răng chưa rụng chiếc nào. Suốt thời trẻ trung mò cua bắt ốc, ăn cơm độn sắn để nuôi được một ông Tiến sĩ và hai ông cử nhân. Giờ ăn cơm vẫn đòi con cháu phải độn chút sắn khô cho nó đậm đà, chứ ăn cơm trắng thấy nó nhạt hoét. Ông tiến sĩ ngoài 70 tuổi về làng thăm nhà, thich nhất là được ngồi cạnh giường để mẹ phe phảy quạt cọ giải nhiệt cho như thời ấu thơ.
Chiều làng quê chậm chạp buông xuống. Nền trời trong xanh bị nhòa đi, lẫn vào màu xanh của cây lá xum xuê. Gió vẫn thổi mát một dọc bờ tre làng. Mấy ông nông dân ngả nón che mắt, nhìn trời. Mong “ông” đừng có mưa bây giờ. Cố mấy trận nắng nữa cho lúa, ngô chín đều. Một cậu thanh niên cởi trần, tay xách chiếc nơm, tay xách chiếc giỏ lấm láp bùn nước, bước từ dưới ao cá lên. Đưa chiếc giỏ lấm bùn cho chủ nhà, anh ta cung kính: “Chẳng mấy khi có bác dưới thành phố về chơi, con biếu ông trẻ mấy con cá nấu canh chua”. Chủ nhà vui mừng: “Ờ! Cho ông xin nhá!”.  Chỉ có ông nhà văn là ngạc nhiên, móc ví: “Để tôi trả tiền cho cháu. Ai lại…”. Chủ nhà ghé tai nói thầm: “Ông chớ làm thế, mất lòng con cháu. Cái lệ làng nó thế rồi. anh em mình cứ tự nhiên mà hưởng thôi”.
Nhà văn thành phố nhìn xa xăm lên đồi cọ già. “Tôi muốn về ở với dân làng một hai tháng để tìm chủ đề mới. Được không ông bạn?”.
                                                                              Phùng Phương Quý

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

Thái độ quyết định thành công của bạn - Thay thái độ đổi cuộc đời



Lời giới thiệu "Thay thái độ đổi cuộc đời"
Thái độ quyết định thành công của bạn

TTO - Bất cứ ai trong chúng ta cũng khao khát có được một cuộc sống đầy cảm hứng, hạnh phúc và thành công. Tuy nhiên, để  đạt được những gì bạn thật sự mong ước, tất cả đều phải xuất phát từ việc nhận ra sự quan trọng và tìm được cho mình một thái độ sống thông minh và tích cực nhất.
Một thái độ sống tích cực sẽ giúp bạn luôn lạc quan, yêu đời, tự tin để nhẹ nhàng lướt qua mọi gian nan, thử thách trong cuộc sống. Ngược lại, một thái độ sống tiêu cực sẽ đóng chặt bạn vào những suy nghĩ, cách nhìn phiến diện, vị kỷ, tự ti, đau khổ và dễ dàng dẫn đến thất bại, bất hạnh. Thái độ của bạn ảnh hưởng tới mọi khía cạnh trong cuộc sống và quyết định kết quả của mọi việc bạn làm.
Chúng ta ai cũng ít nhất một đôi lần mắc phải những sai lầm, gặp thất bại, hay ở một trạng thái tinh thần chán nản tồi tệ - nhưng không vì thế mà chúng ta mãi bị ám ảnh, day dứt mà không bao giờ dám tin mình sẽ khác đi hay không dám làm một điều gì cả. Chính thái độ sống của chúng ta sau những va vấp ấy sẽ quyết định: Liệu chúng ta có cho phép mình trượt dài trên những thất bại triền miên hay sự va vấp ấy sẽ chính là một cơ hội, một bài học, một trải nghiệm quý báu để chúng ta vươn lên, vững vàng và hoàn thiện mình hơn?
Attitude is Everything for Success - cuốn sách nổi tiếng và được bạn đọc trên thế giới đánh giá cao với lượng phát hành hàng triệu bản của tác giả Keith D. Harrell - sẽ mang lại cho bạn những lời khuyên bổ ích, thiết thực, qua những câu chuyện sống động, những ví dụ minh họa có thật, những cảm nhận nội tâm rất sâu sắc được thể hiện với một bố cục rõ ràng và lời văn bình dị, trong sáng.
Đây là kết quả mà Keith D. Harrell đúc kết được sau hơn 20 năm tâm huyết làm công việc thuyết trình, nói chuyện và tư vấn cho hàng trăm ngàn người trong các doanh nghiệp, tổ chức. Cuốn sách này chứa đựng 30 vấn đề then chốt mà những người muốn thành đạt luôn quan tâm và vận dụng một cách thật sự hữu ích trong cuộc sống của họ. Bất cứ khi nào bạn nhận thấy mình đang đuối sức, thiếu niềm tin hay mất phương hướng trong cuộc sống thì cuốn sách này sẽ rất cần thiết đối với bạn. Từng trang sách sẽ là lời giải đáp, là nguồn cảm hứng và động viên tinh thần lớn lao của bạn - những công cụ bằng lời hiệu quả nhất.
Hơn thế nữa, nếu mỗi ngày bạn đều hướng mình đến những lời lẽ tự khích lệ, động viên thì thái độ sống của bạn cũng dần dần được cải thiện theo hướng tích cực. Những điều này sẽ trở thành nguồn động lực giúp bạn có một cuộc sống hạnh phúc, thành công với những tư duy, những ý tưởng mới mẻ, thể hiện qua từng suy nghĩ, từng hành động cũng như những ứng xử của bạn.
Đây là một cuốn sách mà bạn sẽ muốn và cần nên đọc đi đọc lại nhiều lần. Khi bạn nói những ngôn từ tích cực, tin rằng mình sẽ làm được, và hành động với một quyết tâm cao để vươn tới những điều mình hằng mong ước, bạn sẽ khám phá ra một điều: thái độ là tất cả, là chìa khóa mở rộng mọi cánh cửa của thành công và cuộc sống hạnh phúc trong bạn!
First News trân trọng giới thiệu đến các bạn cuốn sách này như một món quà tinh thần đặc biệt nhất. Chúc các bạn sẽ tìm thấy và đạt được những gì bạn mong muốn. Và thành công, hạnh phúc chắc chắn không phải là điều gì quá xa vời với bạn.

Nguồn: Attitude for Success – Thay thái độ đổi cuộc đời - First News và NXB Trẻ TPHCM phối hợp ấn hành

Mục lục - Thay thái độ đổi cuộc đời


STT
Tựa đề
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31
32
33
34

Về tác giả Keith D. Harrell - Thay thái độ đổi cuộc đời


Về tác giả Keith D. Harrell

TTO - Keith D. Harrell là một nhà thuyết trình rất nổi tiếng với những bài nói chuyện sâu sắc, lôi cuốn, mới lạ và đầy bổ ích bằng một thông điệp rất đơn giản nhưng đầy sức mạnh “Thái độ sống là tất cả”.
Lớn lên tại thành phố Seattle, Washington, ban đầu ông mơ ước trở thành một vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp. Mặc dù giấc mơ đó không thành hiện thực nhưng sau cùng thời báo The Wall Street Journal đã đánh giá ông như “Một ngôi sao rực sáng về thái độ sống”.  Chính niềm đam mê mạnh mẽ và một thái độ sống tích cực không bao giờ sút giảm đã khiến ông trở thành một thuyết trình gia vượt trội.
Là chủ tịch của tập đoàn Harrell Performance Systems, ông đã sáng lập ra một công ty chuyên giúp những người làm việc trong môi trường kinh doanh duy trì và đạt được mục tiêu của họ nhờ sức mạnh của thái độ tích cực. Ông là một thuyết trình gia, nhà huấn luyện và tư vấn chuyên nghiệp; nhiều tập đoàn hàng đầu của Mỹ như AT&T, Microsoft, Kodak, IBM, Coca-Cola... là những khách hàng thường xuyên của ông. Những bài nói chuyện của ông thường tập trung vào những cách thức đối đầu với các thách thức nảy sinh trong cuộc sống nội tâm con người, những biến cố bất ngờ, những thay đổi của môi trường sống trên cơ sở thấu hiểu sức mạnh tinh thần của con người.
Harrell tốt nghiệp Cử nhân ngành Tư vấn Cộng đồng tại Đại Học Seattle trước khi làm việc 14 năm với IBM. Tại IBM, ông được công nhận là một trong những chuyên viên đào tạo và huấn luyện kinh doanh giỏi nhất của công ty. Năm 1997, ông nhận được bằng thuyết trình gia chuyên nghiệp từ Hiệp Hội Thuyết Trình Viên Quốc Gia (NSA). Năm 2000, ông vinh dự là một trong những người được ghi tên vào Tòa Nhà Danh Dự của NSA - một phần thưởng trọn đời dành cho những thuyết trình gia xuất sắc nhất của nước Mỹ. Và một trong những công ty thuyết trình nổi tiếng của Mỹ đã đưa ông vào danh sách “22 diễn giả tâm lý xuất sắc nhất”.
Nguồn: Attitude for Success – Thay thái độ đổi cuộc đời - First News và NXB Trẻ TPHCM phối hợp ấn hành

Hello Việt Nam