Sàn giao dịch mua bán trực tuyến MB24

MUA BÁN TRỰC TUYẾN HAY THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ HIỆN ĐANG LÀ XU THẾ PHÁT TRIỂN CHUNG CỦA CẢ THẾ GIỚI.TUY NHIÊN Ở VIỆT NAM HÌNH THỨC TRÊN CÒN KHÁ MỚI MẺ. Xin trân trọng giới thiệu tới Quý Bạn Sàn giao dịch thương mại điện tử mua bán trực tuyến MB24 . Hiện tại Tôi đang có 3 gian hàng mua bán trên sàn giao dịch này . Bạn có thể trực tiếp kinh doanh trên gian hàng của mình , hoặc bạn sẽ được mua hàng chất lượng tốt với giá rẻ của nhà sản xuất mà không phải trả chi phí cho bất cứ một khâu trung gian nào. TIẾT KIỆM CHI PHÍ CHO GIA ĐÌNH BẠN NHIỀU TRIỆU ĐỒNG.Bạn có thể liên hệ với Tôi để tham gia mua bán trực tuyến và tham gia Thương mại điện tử ngay nha : 0919.781.981

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Thư của đứa con người nông dân 1


Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều sinh ra và lớn lên ở một làng quê Bắc Bộ. Dù ông làm việc ở thành phố, nhưng 50 năm nay, ông luôn gắn bó với làng ông và những người nông dân ở đó. Ông mang trong mình một phần những nỗi phiền muộn, cực nhọc và giấc mơ của những người nông dân. Và những người nông dân ở đó đã chấp nhận ông là một đứa con của họ.
Hiện thực cần báo động trong đời sống của những người nông dân được ông phác thảo trong hình thức những bức thư gửi đến chúng ta. Bây giờ, làng Chùa của ông và những làng khác ở tỉnh Hà Tây cũ đã trở thành một làng chính thức của Hà Nội mở rộng. Xin trân trọng giới thiệu 7 bức thư của ông như một trong nhiều góc nhìn về nông thôn hiện nay để bạn đọc cùng tham khảo và chia sẻ.
BỨC THƯ THỨ NHẤT : Họ đang đi theo một… vòng tròn 
NGUYỄN QUANG THIỀU

Tôi chọn năm 1954 là điểm xuất phát đường đi của những người nông dân. Bởi đó là lúc Miền Bắc được giải phóng hoàn toàn khỏi ách cai trị của người Pháp. Người ta thường lấy mốc năm 1954 là thời gian hòa bình được lập lại. Nhưng thực tế chiến tranh vẫn tiếp tục. Máu vẫn đổ. Chỉ sau năm 1975, chiến tranh mới chấm dứt.
Từ năm 1954 đến nay, những người nông dân đã đi một chặng đường dài hơn nửa thế kỷ trên cánh đồng của họ. Và họ đã đi được đến đâu? Họ có biến được giấc mơ về sự giàu có và văn mình của mình thành hiện thực không?
54 năm qua, những người nông dân không một ngày ngừng cày cuốc, gieo trồng với tất cả những đức tính cần cù trên cánh đồng của họ. Họ đã lao động không hề than thở, họ đã hy sinh không hề than thở. Nhưng sau 54 năm, họ ngẩng đầu lên nhìn lại con đường của họ đã đi. Và họ kinh hãi nhận ra: họ đã đang đi theo một vòng tròn. Họ đang có nguy cơ trở lại điểm xuất phát.
Nếu ai đó phản biện điều tôi vừa nói trên thì xin đừng dùng những hình thức bên ngoài trong đời sống của họ để làm bằng chứng cho những phản biện của mình. Đời sống sinh hoạt có những thay đổi. Nhưng những thay đổi ấy không có ý nghĩa nhiều lắm so với sức lao động và sự hy sinh của họ hơn nửa thế kỷ qua. Nếu chúng ta nhìn gần hơn nữa vào hiện thực trên cánh đồng của họ và nhìn sâu hơn nữa vào ngôi nhà họ, tôi tin chúng ta không thể cầm lòng.
Trước năm 1954, những người nông dân là những người làm thuê cho các chủ đất mà chúng ta gọi là địa chủ. Sau khi Miền Bắc được giải phóng mang theo cuộc cách mạng ruộng đất lớn, đất đai không thuộc về những chủ đất trước đó nữa. Nhưng bản chất sâu xa thì người nông dân vẫn chưa thực sự trở thành người chủ sở hữu đất đai của họ. Hợp tác xã được thành lập. Trước kia, đất đai thuộc sở hữu của một cá nhân thì sau này thuộc sở hữu của một tập thể những cá nhân. Những người nông dân vẫn chỉ là những người làm công ăn điểm. Họ không được toàn quyền quyết định hình thức và nội dung sản xuất của họ. Chỉ đến khi Khoán quản ra đời thì vai trò tự chủ của người nông dân đối với mảnh đất của họ mới được xác lập một phần. Nhưng việc sở hữu đất đai vẫn chưa thuộc về họ.
Lý thuyết về Khoán quản là của ông Kim Ngọc. Nhưng người thực hiện thành công đầu tiên lại thuộc về những người nông dân xã tôi – xã Sơn Công, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây. Ngày đó, các ông Phạm Văn Đồng, Tố Hữu và một số vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã về xã tôi để tận mắt nhìn thấy sự thay đổi lạ lùng này. Báo Nhân Dân đã có hẳn một bài báo của nhà báo Đắc Hữu với dòng tít lớn: "Sơn Công, câu trả lời cho vấn đề nông nghiệp Việt Nam". Và ông chủ nhiệm hợp tác xã Sơn Công đã trở thành đại biểu Quốc hội ngay sau đó khi ông mới chỉ học hết lớp ba. Dăm năm trước, nhân một lần về quê, tôi đã đến thăm ông. Ông là người đầu tiên và có lẽ là người duy nhất của xã tôi là đại biểu Quốc hội. Ông vẫn thế, ngôi nhà ông ở vẫn thế, không có một chút gì thay đổi ngoài thời gian phủ những nếp nhăn lên gương mặt ông và phủ rêu phong lên những bức tường.
Nhưng từ đó đến nay, phương thức sản xuất nông nghiệp của những người nông dân vẫn không có gì thay đổi đáng kể. Vào những năm 1950 và đặc biệt những năm đầu của thập kỷ 60 của thế kỷ trước, hệ thống tưới tiêu, hệ thống cơ giới và kỹ thuật nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp khá tốt. Ngày đó, người nông dân được tuyên truyền về tương lai của những cánh đồng. Tương lai này có thể gọi là thời đại cơ giới hóa. Máy móc và kỹ thuật sẽ trợ giúp việc canh tác của họ. Bản thân những người nông dân cũng tin và mơ ước như thế. Nhưng cho đến bây giờ, sau mấy chục năm, giấc mơ cơ giới hóa nông nghiệp đã coi như tan biến. Ngay cả những người tuyên truyền về giấc mơ này cũng “ngủ” thiếp từ lâu. Tôi mang cảm giác người nông dân bị bỏ mặc và trở nên bơ vơ trên cánh đồng đầy nắng mưa, bão gió.
Thay vào giấc mơ cơ giới hóa là sự trở về của một hiện thực. Đó là một hiện thực buồn với hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau. Hình ảnh này trước kia được dùng để nói về nỗi thống khổ và lạc hậu của người nông dân thì bây giờ lại là hình ảnh quá quen thuộc trên những cánh đồng. Nhưng ngay cả trâu bò cũng không đủ cho nông dân cày ruộng. Bởi thế, hình cảnh cha mẹ, con cái, cháu chắt những người nông dân còng lưng cuốc đất trên đồng mỗi ngày lại càng trở nên phổ biến. Đây không phải là một hình ảnh thơ mộng mà là một hình ảnh cay đắng.
Có một điều kỳ lạ là bây giờ, thi thoảng chúng ta vẫn thấy trên truyền hình hồ hởi đưa tin những người nông dân sáng chế ra máy gặt lúa, tuốt lúa, máy gieo hạt… như một thành tựu khoa học. Tôi xin hỏi những nhà sáng chế nhiều bằng cấp trong các viện sáng chế của Nhà Nước đang ở đâu và đang làm gì mà phải để cho mấy người nông dân có khi chỉ học hết lớp ba trường làng hì hục nghiên cứu ra một số phương tiện để bớt đi những vất vả của chính họ rồi truyền hình và một số báo chí lao vào ca ngợi như một sự phát hiện?
Một hiện thực nữa là từ năm 1954, chúng ta đã bắt đầu đào tạo những kỹ sư nông nghiệp một cách có hệ thống. Theo tôi biết, mỗi năm ít nhất có khoảng vài trăm kỹ sư nông nghiệp ra trường. Nhưng suốt một nửa thế kỷ qua, ở rất nhiều vùng quê tôi biết thì không hề có lấy một ông (bà) kỹ sư nông nghiệp nào về sống, làm việc cùng nông dân và hướng dẫn họ. Nhìn theo một khía cạnh nào đó thì những người nông dân cả nước đang sống theo kiểu du canh. Nghĩa là, họ sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo bản năng và thói quen như tổ tiên họ trước kia.
Những người nông dân được hỏi đều buồn bã thừa nhận rằng không ai quan tâm đến họ. Nhiều người nông dân nói: chúng tôi đang được quan tâm vì người ta muốn lấy ruộng để xây dự án. Họ được đền bù một số tiền mà họ chưa bao giờ có. Nhưng những đồng tiền đền bù đó chính là những đồng tiền sẽ mua sự thất nghiệp và những thách thức khác cho chính họ mà họ không biết. Hoặc họ có biết nhưng họ làm sao cưỡng lại được. Cái chính sách mà họ thực sự cần là chính sách tạo công ăn việc làm cho họ và con cháu họ sau khi không còn đất để cấy trồng nữa ở những nơi mà ruộng đất ngàn đời của họ đã và đang bị chung cư hóa. Nhưng một chính sách cụ thể như thế cho đến giờ không một người nông dân nào nhìn thấy và hình như cũng chưa nghe thấy.
Trong một triển lãm ảnh về nông thôn mà tôi đến xem, những bức ảnh chụp rất đẹp theo nghĩa nghệ thuật chụp ảnh. Nhưng tôi nhận ra rằng: những cảnh làm ruộng của những người nông dân của mấy chục năm trước kia và bây giờ chẳng khác nhau chút nào. Có khác thì chỉ khác một điểm. Đó là người nông dân đi sau đít con trâu mấy chục năm trước kia hiện ra trong ảnh đen trắng còn người nông dân bây giờ vẫn đi sau đít trâu nhưng là trong ảnh màu rực rỡ.
Những người nông dân đang đi theo một vòng tròn. Đấy không phải là ý của tôi. Đấy là ý của những người nông dân làng tôi. Họ nói: Ngày xưa ông bà chúng tôi làm ruộng thế nào bây giờ chúng tôi vẫn làm như thế. Chỉ khác là bây giờ có điện. Nhưng cứ vào ngày mùa thì điện lại cắt. Từ ý đó, hay đúng hơn từ hiện thực mà tất cả chúng ta đang nhìn thấy, tôi, một nhà văn có biết một chút phép tu từ nên viết thành câu: Họ đang đi theo một… vòng tròn.

Hello Việt Nam